Apr 12, 2015

Back To Square One: Một nghề lý tưởng những ngày đầu mới giải phóng

Original Title: Back To Square One, My Dream Job in RSVN Early Days, by Author Anh Tho Andres, Vietnamese Translation by Dieu Nguyen (May 2015)



Tôi mơ thấy mình đang theo dấu vết chân vẫn còn in đậm trên bãi cát Vũng Tàu, những dấu chân mà tôi đã để lại 35 năm về trước, cái thời tôi mới chân ướt chân ráo đến Thành phố Vũng Tàu để nhận nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ Thành phố Hồ Chí Minh.
30 năm tha hương xứ người, những kỷ niệm ngọt ngào xưa ùa về, đưa tôi trở lại ký ức năm nào.

Chuyện kể lại ở đôi dòng sau…

Tôi không biết trên đời này có công việc nào tuyệt vời hơn là công việc mà tôi được phân công tại Việt Nam, vào những năm đầu của thập kỷ 80: hướng dẫn viên du lịch kiêm phiên dịch viên cho Công ty Dịch vụ Hóa dầu.

Quả thật vậy, sau khi miền Nam được giải phóng, tôi là một trong những người may mắn hiếm hoi được trau dồi ngoại ngữ dưới vai trò một phiên dịch viên, hướng dẫn viên du lịch và chuyên viên quan hệ công chúng. Là một sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nói trôi chảy năm thứ tiếng, và xuất thân từ một gia đình “không thuộc thành phần chống đối”, tôi được phân công vào công ty du lịch danh tiếng nhất bấy giờ ở Vũng Tàu – thành phố trước đây được gọi là là Cap St Jacques (nghĩa là Mũi đất mang tên Thánh Giacôbê, tên do người Pháp đặt), được coi là một Rio de Janeiro Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên trong nghề, được giao đón tiếp một đoàn du khách Nga tới từ Mosow. Trước khi đoàn đến, tôi đã học đến thuộc nằm lòng kịch bản dẫn khách mà mình đã chuẩn bị từ trước đó bằng tiếng Nga, về những di tích văn hóa và danh thắng Vũng Tàu. Hôm đó, trời đầy nắng và gió. Đoàn du khách khởi đầu bằng chuyến đi vòng quanh đảo. Điểm dừng chân đầu tiên là Thích Ca phật đài ở Núi Lớn ở một ngôi đền trông ra toàn cảnh lộng lẫy, tráng lệ của Vũng Tàu, cũng là cửa sông Sài Gòn. Đoàn đi qua “Nhà Trắng” – khu nghỉ mát mùa hè của Vua Bảo Đại, và dừng chân tại một làng chài cách đó không xa.

Đoàn khách thường di chuyển trên chiếc xe Volga của Nga. Dọc đường đi, tôi thường kể cho du khách nghe về tất cả những gì tôi biết về đức tin, về con người, về văn hóa ẩm thực, cho dù vốn từ vựng tiếng Nga, tiếng Đức về Phật giáo có phần hạn chế, và thỉnh thoảng còn kể về những ước mơ của tôi. Rồi cả đoàn tới thăm đền Lăng Cá Ông và tượng Đức Trần Hưng Đạo, trên đường ra bãi sau, sau khi dừng chân uống nước tại Khách sạn Hòa Bình. Chương trình tham quan buổi chiều gồm việc viếng thăm chùa “Niết Bàn Tịnh Xá” (hay còn gọi là chùa “Phật nằm”).

Tôi tiếc rằng phải chi lúc đó mình có kiến thức phong phú về Phật giáo như bây giờ để có thể chia sẻ nhiều hơn về nghiệp chướng, luân hồi hay vô thường và những lý thuyết nhà Phật khác cho những du khách Nga và Đức đang chăm chú lắng nghe tôi nói, và có lẽ họ thường tự hỏi tại sao ở một quốc gia bị tàn phá do chiến tranh, một quốc gia được cho là có đường lối cộng sản khắt khe như đất nước chúng ta, lại có một cô gái nhỏ nhắn, trẻ trung với đầy nhiệt huyết, có thể nói chuyện về Goethe, Dostoievsky, Tolstoy, Krishnamurti và những điều đáng ngạc nhiên tương tự như thế.

Tôi nghĩ rằng họ thậm chí còn thấy ngạc nhiên hơn về khả năng ngoại ngữ của tôi khi tôi chia sẻ rằng tôi chưa bao giờ bước ra khỏi Việt Nam, rằng tôi học tiếng Pháp từ những cuốn tiểu thuyết của thế kỷ 19, tiếp thu tiếng Đức chỉ bằng phương pháp “Assimil” trong cuốn “Deutsch Ohne Muhe”, mà không có từ điển, học tiếng Nga từ những giáo trình chính trị (không có bất kỳ minh họa hình ảnh – âm thanh nào), và rằng tôi thường đi tới nhà thờ Baptist ngày chủ nhất trong suốt thời kỳ chiến tranh Mỹ để nâng cao trình độ tiếng Anh. Tôi không kể rằng các giáo sư người Mỹ dạy tôi là những sĩ quan hoặc lính Mỹ này thường đến lớp với một khẩu súng trường, sẵn sàng nhả đạn nếu có động tĩnh không hay. Tôi học ngoại ngữ trong những điều kiện học tập kể trên với khát khao và niềm háo hức vô tận để vươn ra thế giới.

Là người liên lạc duy nhất cho các đoàn khách từ nước ngoài, tôi trở thành “ngôi sao” trong mắt những vị khách quốc tế này. Họ thường xuyên chụp ảnh tôi tươi cười với làn da rám nắng trên bờ biển tuyệt đẹp của Vũng Tàu. Những bức hình của tôi theo về tới quê hương họ, là món quà kỷ niệm đáng trân trọng sau quãng thời gian ngắn ngủi ở một đất nước vẫn còn ngập tràn bí ẩn với thế giới. Còn với tôi, tôi vẫn giữ nguyên vẹn ký ức của những lần gặp gỡ đó.

Khi tôi gặp Kurt, người chồng Thụy Sỹ của mình sau này, tôi đoán rằng trong con mắt anh, tôi là hiện thân của những giấc mơ Việt Nam trong anh. Về sau, trong vô vàn những cuộc trò chuyện dài đêm khuya tận cho tới khi anh qua đời, Kurt đã thú nhận rằng không biết tại sao anh đã luôn mong mỏi đến Việt Nam, và khi gặp TÔI, anh ấy ĐÃ nhận ra lý do TẠI SAO. Những người bạn Việt của tôi nói rằng anh ấy là người Việt Nam ở kiếp trước. Tôi cũng tin là thế. Câu chuyện tình của tôi cùng Kurt có thể trở thành chủ đề của một bộ phim tình cảm lãng mạn tuyệt hay cho Hollywood, đặc biệt là đoạn kể về hoàn cảnh dẫn tới cuộc gặp gỡ khiến hai người quen nhau trong những năm đầu miền Nam Việt Nam sau khi chiến tranh chấp dứt.

Nhưng trước mắt, tôi muốn quay trở lại với những buổi dẫn đoàn du lịch, công việc hàng ngày của tôi trong nhiều năm liền.

Các đoàn tôi dẫn thường có 20 người, phần lớn tới từ Đông Âu, chủ yếu là thanh niên Đức và Nga, đôi khi Tôi còn tiếp đón một vài VIP hay khách của chính phủ, Thủ tướng, thậm chí những người nổi tiếng, ví dụ như Phạm Tuân – phi hành gia Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Và trong một vài trường hợp hiếm hoi, Tôi dẫn tour cho các du khách Nhật, Mỹ và Pháp, hay ví dụ như trường hợp của Kurt, một trong những du khách Thụy Sỹ đầu tiên.
Sau chuyến đi buổi sáng và bữa trưa (thông thường là ăn tôm càng và các đặc sản biển khác) ở khách sạn quốc tế duy nhất tại Vũng Tàu, đoàn sẽ tới khu nghỉ mát trên biển dành cho du khách nước ngoài. Khác với các đồng nghiệp Hướng dẫn viên tại Vũng Tàu, tôi không chờ khách tại quầy lễ tân mà thường cùng đoàn đi bơi, tắm nắng, thưởng thức đồ ăn, nước uống khi họ mời, hoặc nếu không, tôi sẽ cùng họ ăn tối tại nhà hàng của khách sạn hay ăn cùng anh lái xe kiêm vệ sỹ cho những chuyến đi xa.

Ở Bãi Sau có một câu lạc bộ hạng sang với dịch vụ xa xỉ (so với tiêu chuẩn Việt Nam sau chiến tranh), được trang bị vòi tắm nóng lạnh, lọng che nắng, và được quản lý bởi người trông coi vịnh; có những cô gái rất đẹp phục vụ tại quầy bar, có đồ uống lạnh và cả nhân viên an ninh. Bãi cát chạy dài hàng cây số luôn sạch sẽ và chỉ dành riêng cho người nước ngoài, không cho phép phục vụ người dân địa phương. Tôi đồ rằng, ngoài lý do an ninh, chính quyền cũng đạn hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân bản địa với khách ngoại quốc. Về sau, tôi mới biết rằng trong suốt thời kỳ tiền chiến tranh với Trung quốc, người ta đã phát hiện ra nhiều tàu chiến chở đầy vũ khí dọc bờ biển Baria, cách khách sạn tôi ở tầm 30 cây số.

Là một hướng dẫn viên du lịch, tôi cảm thấy tù túng khi bị giới hạn đường đi, bị quản thúc và bị theo dõi bởi những “đồng nghiệp” thuộc đội công ăn đặc nhiệm “A*”. Dĩ nhiên, ở thời điểm đó tôi không lường trước được những hình thức kỷ luật nếu bất tuân các lệnh về an ninh.

Quả vậy, theo yêu cầu của công ty, nhân viên thường phải dẫn các tour du lịch đã lên sẵn lịch trình, nên cơ quan an ninh có thể đã đợi sẵn trên đường. Tôi hay thay đổi lịch trình bởi vì tôi ghét sự lặp lại, cũng không thích bị ra lệnh và bị theo dỗi. Do đó, sếp tôi thường phê bình hành vi “thiếu kỷ luật” của tôi. Hành vi tự do đó xém gây nhiều phiền phức cho tôi, nếu không may mắn được trời phật phù hộ.

Có lẽ tôi phải cảm ơn cuộc đời tôi được quý nhân phù hộ
Một số bạn thân cho rằng sự may mắn của tôi chính là nhờ phước ông bà để lại, đã giúp tôi thoát những tình huống rắc rối như trong câu chuyện tôi sắp kể trong kỳ tới.
Tôi cũng phải công nhận là tôi thật may mắn.

Original Title: Back To Square One, My Dream Job in RSVN Early Years, by Author Anh Tho Andres, Vietnamese Translation by Dieu Nguyen (May 2015)



Bài tiếp theo sẽ là ORDER IS ORDER (Mệnh lệnh là mệnh lệnh).



About YourVietbooks.com
YourVietBooks is a selection of books and articles on and about Vietnam. Categories include: Culture, History, Vietnam War, Politics, Biographies, Contemporary Vietnam, International Relations, Doing Business in Vietnam, Reference and Languages, Zen Buddhism, Philosophy, Art and Literature.
Some articles are available only in English, French, German or Vietnamese. Our qualified and experienced translators can provide translations of e-books or articles on demand. Read more...



Samples of Translation | Our Translators | Need a quote? | Contact us