Tư tưởng lập hiến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945,
Nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến, có bộ máy thống trị trực tiếp của thực dân Pháp và triều đình Nhà Nguyễn theo chính thể quân chủ chuyên chế, nhưng thực chất là bộ máy tay sai của thực dân Pháp. Bởi vậy, nước ta là một thuộc địa không có hiến pháp.
Tuy nhiên vào những năm đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản Pháp 1789, ảnh hưởng của cách mạng Trung Hoa năm 1911 và Chính sách duy tân mà Minh Trị Thiên Hoàng đã áp dụng tại Nhật Bản, trong giới trí thức Việt Nam đã xuất hiện tư tưởng lập hiến. Có hai khuynh hướng chính trị chủ yếu trong thời gian này. Khuynh hướng thứ nhất của Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu. Cuộc bút chiến đã xảy ra giữa Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh về vấn đề trực trị hay quân chủ lập hiến. Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương bãi bỏ chế độ vua quan ở miền Bắc và miền Trung và đặt chúng dưới quyền cai trị trực tiếp của Chính phủ Pháp. Còn Phạm Quỳnh bênh vực chế độ vua quan cũ, cho rằng mặc dầu chế độ này có nhiều tệ tục, người ta vẫn có thể cải tiến chế độ cũ bằng cách áp dụng chế độ quân chủ lập hiến, nghĩa là ban hành một bản Hiến pháp để hạn chế quyền lực của Hoàng đế Việt Nam. Theo tư tưởng của Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu thì phải xây dựng một bản Hiến pháp vừa bảo đảm "quyền dân chủ" cho nhân dân, "quyền điều hành đất nước" của Hoàng đế và "quyền bảo hộ" của Chính phủ Pháp.
Như vậy thực chất tư tưởng của Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu dù trình bày cách này hay cách khác, người chủ trương xoá bỏ chế độ vua quan, người chủ trương thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng chế độ quân chủ lập hiến, nhưng tựu trung vẫn đặt đất nước ta dưới sự thống trị của thực dân Pháp.
Khác với Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn ái Quốc chủ trương phải giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, sau đó mới xây dựng Hiến pháp của nhà nước độc lập. Không có độc lập tự do thì không thể có Hiến pháp thực sự. Đây là khuynh hướng thứ hai và là khuynh hướng đúng đắn nhất.
Một trong những chiến sĩ tiên phong khởi xướng và truyền bá tư tưởng dân chủ và tư tưởng lập hiến ở Việt Nam là Phan Chu Trinh. Vào năm 1902, Phan Chu Trinh đã bắt đầu tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây và những tư tưởng cải cách đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Bạch. Hai nguồn tư tưởng này đã giúp ông đề xướng tư tưởng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", ông đã coi việc mở mang dân trí là tiền đề để xây dựng xã hội dân chủ. Là người phản đối kịch liệt chế độ quân chủ chuyên chế, ông thường nói: "Cái độc chuyên chế cùng cái hủ nho nhà ta đã trở thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do, dân quyền Âu Tây là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó" . Ông đưa ra tư tưởng dân quyền, chủ trương bầu cử những người xứng đáng vào bộ máy Nhà nước. Trong Tỉnh quốc hồn ca ông viết:
"Người ta chẳng tưởng mơ quyền tước
Làm quan vốn giúp nước, giúp dân
Những người khanh tướng công thần
Ai ai cũng phải lấy dân làm nề
Nào là kẻ đủ bề tài trí.
Nào là người cả khí kinh luân
Tiếng khen khắp cả xa gần
Trong khi tuyển cử thì dân nó bầu "
Năm 1922, trong "Thư thất điều gửi Hoàng đế Khải Định", ông đã buộc tội nền quân chủ chuyên chế là nguyên nhân sâu xa làm cho dân tộc ta suy yếu và để mất độc lập, chủ quyền. Ông nêu ra 7 tội đáng phải chết của Khải Định là:
1) Tôn bậy quân quyền;
2) Thưởng phạt không công bình;
3) Chuộng sự quỳ lạy;
4) Tiêu xài hoang phí;
5) Phục sức không đúng phép tắc quân vương;
6) Chơi bời vô độ;
7) Chuyến này đi Pháp với mục đích ám muội, duy trì quân quyền.
Công kích Khải Định, ông nói rõ: "Đó chẳng phải là công kích cá nhân Bệ hạ mà là công kích một hôn quân, cũng không phải vì tư kỹ của Trinh này mà làm, mà vì hai mươi triệu đồng bào xô ngã chuyên chế, ủng hộ tự do vậy"1 . Đề cao tư tưởng dân chủ và lập hiến, ông viết: "Nhật Bản là nước đồng chủng, đồng giống với nước ta, bốn mươi năm trước, họ lập ra Hiến pháp cho dân được bầu cử Nghị viên, còn việc chính trị trong nước theo ý của dân, chứ vua không được chuyên quyền cả" .
Vào những năm cuối đời mình, tư tưởng xây dựng Hiến pháp và một nhà nước dân chủ của Phan Chu Trinh thể hiện rất đậm nét trong bài diễn thuyết: "Quân trị và dân trị chủ nghĩa" của ông tại Hội khuyến học Sài Gòn, ông đã nhấn mạnh: "Trong nước có Hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng Hiến pháp, cái quyền của Chính phủ cũng bởi Hiến pháp quy định cho, lười biếng không được mà dẫu có muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì vi phạm đến pháp luật thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng thống cho đến một người nhà quê cũng chịu theo pháp luật như nhau" .
So sánh chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ dân chủ ông viết: "So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị thì ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay của một triều đình mà trị một nước thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê được no ấm vui vẻ hay đói khát khổ sở tuỳ theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung của cả nước, lòng quốc dân thế nào thì làm thế đấy, dù không có người tài giỏi thì cũng không đến nỗi phải để dân khốn khổ làm tôi mọi một nhà, một họ nào" .
Không những đề ra thuyết dân trị, Phan Chu Trinh còn phân tích rất sâu sắc cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước theo học thuyết phân chia quyền lực của John Locke và Montesquieu của nước Pháp. Ông viết: "Đây tôi nói về cái chính thể bên Pháp. ở trong nước có Nghị viện gồm thượng viện và hạ viện. Hạ viện là viện quan hệ nhất; khi nào đặt Tổng thống hay thiếu mà đặt lại thì hợp người ở trong hai viện ấy mà bỏ thăm. Người ra ứng cử cũng ở trong hai viện ấy. Ai được nhiều thăm thì làm Tổng thống. Khi Tổng thống được bầu rồi thì phải thề trước mặt hai viện ấy rằng: Cứ giữ theo Hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo Đảng này, chống Đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân trục xuất ngay...
Còn chính phủ cũng bởi trong hai viện ấy mà ra. Nhưng mà giao quyền cho Đảng nào chiếm số nhiều trong hai Viện ấy thì lập Quốc vụ viện (tức Chính phủ, Toà nội các) theo Quốc vụ viện bây giờ chừng đâu cũng vài chục bộ nhưng mà không phải ăn không ngồi rồi như các ông thượng thơ ở bên ta đâu. Ông nào có trách nhiệm ông ấy cả. Cái gì mà không bằng lòng dân, thế nào cũng có người chỉ trích...". Phân tích cơ chế phân chia quyền lực, ông viết: "Cái quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử án thì giao cho các quan án là những người học giỏi luật lệ, có bằng cấp; các quan án chỉ coi việc xử đoán, có quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân. Các quan án ở về một viện riêng gọi là Viện tư pháp. Quyền tư pháp cũng như quyền hành chính của Chính phủ và quyền lập pháp của Nghị viện đều đứng riêng ra, không hợp lại trong tay một người nào".
Điều đáng lưu ý nhất trong tư tưởng lập hiến, lập pháp trong tư duy triết học pháp quyền của Phan Chu Trinh chính là ở chỗ tuy đánh giá rất cao tư tưởng lập hiến, lập pháp của Montesquieu và của Rousseau nhưng ông hoàn toàn chống lại những người tiếp thu một cách máy móc tư tưởng phương Tây. Trong bài diễn thuyết "Đạo đức và luân lý Đông Tây", ông gọi những người nho học cũ bảo thủ là "hủ nho" còn loại người tây học mất gốc, sùng bái nước ngoài vô lối là "hủ tây" ông nói cả "hủ nho" "hủ tây" đều là loại người dân nước phải biết phân biệt để tránh xa, kẻo mang hoạ cho dân nước1 . Như vậy có thể thấy tư tưởng triết học pháp quyền của ông là phải biết gạn lọc những cái tiến bộ tinh tuý của tư tưởng dân chủ phương Tây cũng như những yếu tố dân chủ tốt đẹp của công xã nông thôn và đạo đức luân lý thuần khiết của phương Đông để xây dựng nền Hiến pháp và pháp luật cho nước nhà khi dân ta làm chủ đất nước.
Cũng là những người yêu nước, tìm đường cứu nước, nhưng Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu có những chính kiến riêng của mình. Tư tưởng của Phan Bội Châu là đoàn kết nhân dân lao động đánh đuổi thực dân Pháp rồi tiến hành canh tân xã hội. Còn Phan Chu Trinh chủ trương đoàn kết nhân dân canh tân, dân chủ hoá xã hội, đánh đổ phong kiến noi theo phương Tây, tự cường dân tộc, giành độc lập. Do hạn chế của hoàn cảnh lịch sử mà cả Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ở mức độ khác nhau đều chưa nhận thức được bản chất thực sự của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng có thể nói rằng tư tưởng lớn của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai mạch nguồn quan trọng trong tư tưởng của Nguyễn ái Quốc, trong đó có tư tưởng lập hiến. Nhờ ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn ái Quốc đã khắc phục được những hạn chế của hai ông, phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Nguyễn ái Quốc đã kết hợp được ngọn cờ phản đế và phản phong mới đi đến thắng lợi .
Đầu năm 1919, nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc đã gửi Yêu sách của nhân dân An Nam cho Hội nghị Vessailles của các nước Đồng minh, trong đó đã thể hiện rõ tư tưởng lập hiến của Người. Sau Nguyễn ái Quốc lại dịch và diễn thành lời ca bản Yêu sách đó với tựa đề "Việt Nam yêu cầu ca" để tuyên truyền trong đồng bào Việt kiều sống trên đất Pháp. Trong tám điều yêu sách, đáng lưu ý là điều thứ bảy, đó là yêu cầu lập hiến lập pháp cho nhân dân Việt Nam:
"Bảy xin Hiến pháp ban hành Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".
Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930), Nguyễn ái Quốc vẫn theo đuổi tư tưởng lập hiến của mình. Trong các nhiệm vụ mà Hội nghị Trung ương tháng 11-1940 do Nguyễn ái Quốc chủ trì đề ra có nhiệm vụ thứ ba là: ban bố Hiến pháp dân chủ, ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp2 ....
Sau hơn 27 năm nung nấu tư tưởng của mình sau khi giành được độc lập cho dân tộc, Nguyễn ái Quốc trở thành Chủ tịch nước, Người mới thể hiện được tư tưởng của mình thành sự thật. Tư tưởng của Người được thể hiện trong Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước nhà.
HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HIẾN PHÁP 1946,
Xem thêm http://maxreading.com/sach-hay/tu-lieu-lich-su-viet-nam/lich-su-lap-hien-viet-nam-30342.html
About YourVietbooks.com
YourVietBooks is a selection of books and articles on and about Vietnam. Categories include: Culture, History, Vietnam War, Politics, Biographies, Contemporary Vietnam, International Relations, Doing Business in Vietnam, Reference and Languages, Zen Buddhism, Philosophy, Art and Literature. Some articles are available only in English, French, German or Vietnamese. Our qualified and experienced translators can provide translations of e-books or articles on demand.
Read more...
Samples of Translation |
Our Translators |
Need a quote? |
Contact us