Oct 19, 2011

Promoting Young Vietnamese Talents - Doan Minh Phuong


Note from Anh Tho : I just discover another young Vietnamese talent - Doan Minh Phuong - who writes on her dilemna on whether to live in her own country, or to live in exile. A problem we all Vietnamese are facing: to leave or not to leave...

Here is a short passage to share with you with proposed translation in English by Anh Tho Andres (A few thoughts about life experience, on my homeland, on other people homelands...)

Tôi đã sống ở nhiều nơi trên thế giới. Và trở về nhà. Và lại đi. Một người bạn nói với tôi rằng người viết cần đi nhiều, sống nhiều, để có nhiều vốn sống. Nhưng thế nào là sống nhiều?
Người ta vừa sợ đời mình nhiều biến cố, vừa sợ cuộc đời xảy ra ở một nơi nào khác và mình không có mặt ở đó. Như nhiều người khác, trong tôi luôn luôn có một ước vọng về một cuộc đời sôi nổi, và một ước vọng cho một cuộc đời an lành. Chúng ta luôn luôn mang trong người cùng lúc nỗi nhớ những chuyến đi xa và niềm mong mỏi ngày trở về. Ngày đó, tôi tin rằng cuộc đời ở ngoài kia. Trong thế giới bên ngoài, ở những nơi khác nhau, người ta đã gầy dựng nên, làm ra cuộc đời. Tôi sẽ đến và dự phần vào đó, để rồi một ngày nào đó tôi có thể nói tôi đã đến sống ở Mỹ, ở Pháp, ở Ấn Độ, và tôi biết cuộc đời ở những nơi đó như thế nào. Nếu tôi biết nhiều cuộc đời ở nhiều nơi, có nghĩa là tôi có nhiều vốn sống. Tôi sẽ có nhiều câu chuyện. Thật ra không phải vậy. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, cuộc đời của mình. Những chuyến đi, những khung cảnh sống khác lạ, chỉ cung cấp những cái khung khác nhau cho câu chuyện duy nhất của cuộc đời duy nhất của mỗi người. Thế giới xa vắng cũng ở trong lòng và quê hương thân thuộc cũng ở trong lòng.

Ở thế hệ của chúng tôi, chọn cuộc sống thị thành, có lẽ người ta còn phải biết giữ cả hai – đường đi và lối về – trong cùng một ngăn tim. Những thành phố lớn càng ngày càng giống nhau. Những con đường nhỏ, những mái nhà quen và người quen càng ngày càng thay đổi và nhanh chóng trở nên lạ lùng. Nếu cần một quê hương, một nơi chốn yên lành và bền vững, chúng tôi phải tựa vào những thứ không do con người làm ra và không thể mất đi: những cơn mưa, những ngày bão, những đêm không gió.
Buổi chiều chúng tôi đứng ở lan can tầng trên một căn nhà trên sườn đồi, nhìn xuống thành phố. Bầu trời rất rộng ở chung quanh. Cơn mưa chiều vừa qua, nhưng chưa dứt hẳn. Trời vẫn còn đầy những giọt nước bay nghiêng. Và lẫn trong những hàng nước ấy, những đám mây mỏng như khói, chợt bay ngang, chợt tan mất. Anh nói với tôi: “Những căn nhà dưới kia, trong thung lũng, xây bằng gạch và xi măng, vài năm nữa có còn không?”
Tôi nói:“Em không biết.”
Anh nói:” Nhưng những đám mây này thì còn”.
“Những đám mây mỏng mảnh này?”
“Ừ, những đám mây mỏng mảnh này.”
“Những đám mây khác chứ”
“Vẫn là những đám mây này.”
2
Nếu có hai nhà nhiếp ảnh nghệ thuật cùng chụp ảnh một căn phòng nào đó, trong cùng một giờ nào đó trong ngày, chúng ta sẽ có hai bức ảnh nói những điều khác nhau. Theo Susan Sontag thì một bức ảnh không cho ta thấy vật được chụp, cũng không phải người chụp thấy gì, mà cho ta thấy cách nhìn của người chụp ảnh. Nói cho cùng, dù đề tài đến bất chợt hay được sắp xếp, nhà nhiếp ảnh chỉ mượn hình ảnh bên ngoài để nói một điều gì đó từ bên trong họ.
Trong nghệ thuật, không có sự thật khách quan. Chỉ có sự thật của người chụp ảnh: hoặc sự thật ấy có đó, hoặc là không. Nhiều người nói rằng viết văn là một công việc cô đơn. Cô đơn không phải vì người viết luôn luôn phải ngồi viết một mình. Mà cô đơn vì người viết trong những giây phút phải có chọn lựa quyết liệt nhất, họ không thể dựa vào người khác. Trong tác phẩm của họ, nếu sự thật của riêng họ không có đó, thì tác phẩm của họ không có sự thật. Chứ không có chuyện nó quàng lấy một sự thật khác, của một ai khác. Người viết bắt đầu một cuốn sách với cốt truyện thường là ít chi tiết. Có lẽ người viết sẽ mượn từ thế giới một nơi chốn, một năm tháng nào đó, đặt vào đó các nhân vật, và cuộc hành trình bắt đầu. Trong chuyến đi, người ta mới nhận ra rằng tuy cốt truyện đã có sẵn như một thứ định mệnh của các nhân vật, mỗi ngày, ở mỗi khúc quanh, người viết đều có nhiều lựa chọn. Tuy có lựa chọn, người viết không thật sự có tự do đưa câu chuyện theo một hướng bất kỳ. Người viết chỉ có thể dựa trên bản chất của nhân vật mà biết trong tình cảnh như vậy, nhân vật của mình sẽ quyết định thế nào. Nói cho cùng, khi phác thảo nhân vật, dù chỉ là những nét chính, lồng họ vào một khung cảnh sống nào đó, người viết cũng đã quyết định định mệnh của họ, và qua đó đường đi của câu chuyện rồi. Tôi không muốn nói rằng con người bị nhốt trong bản năng, tâm lý và niềm tin của mình. Bản chất là một thứ gì to rộng hơn tổng số của ba thứ kia. Bản chất của con người bên cạnh những điều quen thuộc là những điều bí ẩn, nên hành động của con người vừa tất yếu, cũng lại vừa đầy những bất ngờ.
3
Năm xưa ông bà chúng ta nói “Đi cho biết đó biết đây.” Năm nay, ngồi duy nhất một nơi, mở ti vi, xem báo, mở internet, cả chiều rộng của thế giới, và chiều dài của lịch sử nữa, có thể thu về trên một cái màn hình. Đôi khi có dịp đi đến một thành phố nào xa, một thành phố thật chứ không phải ảo, tôi lại có một chút thất vọng man mác không rõ nét. Buổi tối, những nơi còn mở cửa thường là những nơi dành cho khách du lịch. Khách đến thăm đã trở thành một loại người cần được tiếp một cách có tổ chức, công nghệ hóa. Những cánh cửa mở đón tiếp họ chỉ dành riêng cho việc đó. Cuộc đời thật của những con người thật nằm sau những cánh cửa đóng. Làm sao tôi biết được thế giới mình đến thăm, thật sự nó như thế nào?
Nếu mở được những cánh cửa ấy ra, có lẽ cuộc đời thật của họ cũng không khác của chúng ta ở quê nhà là mấy: Họ đang kinh nghiệm thế giới trước một cái màn hình nào đó.
Những gì chúng ta thu thập được từ bên ngoài, dù qua những chuyến đi hay qua đường truyền internet, chỉ mới là kiến thức và dữ kiện, chứ chưa phải là sự thật. Ngay cả những kinh nghiệm có được qua va chạm trong đời sống cũng vậy. Sự thật của riêng một người nào đó chỉ có được sau rung động và tư duy, nó là thứ còn lại đàng sau, nó là cái biết. Không phải ai cũng quyết định viết sự thật của mình lên giấy. Ngược lại, người có vốn sống không thôi cũng không đủ để viết văn. Vốn sống không có chiêm nghiệm, cũng trôi đi, mất đi những loại vốn liếng khác không có cách gìn giữ.
Những tình huống thật, của chính mình, bắt buộc chúng ta quyết định và nhận lấy những hệ quả của những quyết định ấy. Không phải lúc nào kinh nghiệm cũng đưa tới chiêm nghiệm, nhưng kinh nghiệm thật thường đưa tới chiêm nghiệm hơn là những kinh nghiệm vay mượn. Vì thế, có vốn sống chúng ta dễ đi đến gần sự thật của riêng mình hơn.
Nếu vốn sống cần thiết để viết văn như có gạo mới nấu thành cơm, ai quyết định sống thế nào thì thu thập được vốn sống và sống thế nào thì không? Tôi không nghĩ nhất thiết đi xa thì có vốn sống nhiều hơn là ở nhà, một cuộc sống an lành thì đem lại ít vốn sống hơn một đời sôi nổi.
Những khoảnh khắc của sự thật nằm ở sự chênh vênh nhiều hơn ở sự yên ổn. Một giọt nước giữa trời tự do hơn là một giọt nước dưới giếng. Giọt nước giữa trời có chọn lựa, nó có thể muốn thành khí và bay lên trời, hoặc muốn thành mưa rơi và xuống đất. Nhưng ai nói rằng nếu ngồi im ở quê nhà thì tôi không có khi là một giọt nước giữa trời?

(Source: http://doanminhphuong.wordpress.com/2011/01/11/lan-man/)


About YourVietbooks.com
YourVietBooks recommends a selection of books and articles on Vietnam and about Vietnam, available partly in English, French, German or Vietnamese. Our qualified and experienced translators can provide translations of e-books or articles on demand. For more information on our services, please contact Mrs. Anh Tho Andres. Email: yourvietbooks@gmail.com.