Điều tôi tin chắc là nhân loại chỉ có một tương lai khi những sinh viên của chúng ta biết đọc và thích đọc các tác giả từ Jippensha Ikku đến Rabelais, từ Vương Xung đến Hobbes, các tác phẩm từ Risalat ul ghufran đến Ly Tao, từ Vita của Cellini đến Confessions của Thánh Augustin. Đó là lý tưởng mà nền văn học toàn cầu của thế kỷ vừa qua (Weltliteratur chủ trương bởi Goethe) phải vươn tới.Theo Etiemble trong Esais de littérature (vraiment) générale (1974).
Ít nhất có ba lý do chính khiến xui người viết đặt bút soạn bộ Tổng Quan Lịch Sử Văn Học Nhật Bản nầy.
Trước hết là cái duyên may đã đưa người viết cùng với tám bạn đồng khóa đặt chân lên đất Nhật du học giữa tháng ba năm 1965. Rồi từ đó, với duyên nợ của năm năm ngồi trên ghế nhà trường Nhật Bản (1965-1970) và hai mươi lăm năm (1981 đến nay, 2006) làm việc trong xí nghiệp và đại học Nhật Bản, người viết cảm thấy gần gũi với con người và đất nước đã cưu mang mình trên nửa cuộc đời và mong mỏi tìm hiểu về nó nhiều hơn. Tìm hiểu đất nước và con người một cách sâu lắng, có lẽ không gì hơn là nhìn qua lăng kính văn hóa và nhất là cái kính vạn hoa của văn học.
Lý do thứ hai là Nhật Bản đã không ngớt làm ngạc nhiên thế giới vì sức sống mãnh liệt của dân tộc họ đã đưa họ từ thế đứng của một quốc gia nghèo nàn và bế tỏa trở thành một cường quốc sau cuộc duy tân thời Minh Trị (Meiji). Con phượng hoàng Nhật Bản đã tái sinh từ đống tro tàn của trận thế chiến thứ hai và đạt đến ngôi vị quốc gia phồn vinh thứ hai thế giới về mặt kinh tế đã làm cho ta không khỏi tự đặt câu hỏi đâu là cội nguồn gốc sức sống của nó. Sức sống ấy đã thể hiện thế nào văn học của 13 thế kỷ hữu sử của hơn 127 triệu con người Nhật Bản? Như cha anh ta của phong trào Đông Du và Duy Tân, ta ngẫm nghĩ có thể nào thông qua quan sát lịch sử văn hóa nói chung và văn học nói riêng, tìm được câu giải thích về phép lạ Nhật Bản.
Lý do thứ ba là những người Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với Nhật Bản, nhất là những người du học cùng thời với người viết trong ba thập niên 1950 đến 1970, tuy khá đông và tài cao học rộng nhưng vì không mấy quan tâm hoặc không có thời giờ, họ đã bỏ qua việc khai thác đề tài này. Người viết đành đứng ra đảm nhận việc đó, nghĩ rằng quyển sách này sẽ có ích cho lớp người trẻ thích học hỏi mà chưa có cơ hội nắm được ngoại ngữ, nhất là Nhật ngữ. Tuy không chuyên môn về văn học Nhật Bản và khả năng Nhật Ngữ rất giới hạn, người viết cũng xin hết sức cố gắng để trình bày vấn đề một cách suông sẻ và chính xác. Cõi học nghìn trùng, như thiền gia nói "Sau núi còn có núi", nay bản thân lực bất tòng tâm, sơ hở khiếm khuyết đầy dẫy, mong các vị cao mình vui lòng chỉ bảo. Xin hết sức biết ơn.
Trong thời gian bốn năm (2003-06) cặm cụi làm việc, người viết đã nhận được nhiều khích lệ và trợ giúp về mọi mặt. Xin chân thành cảm ơn tất cả, nhất là các bạn trong Nhóm Dịch Thuật Văn Học Nhật Bản đã cho trích đăng dịch phẩm của họ, các vị chủ trương trang nhà trên mạng, đặc biệt hai anh Lại Như Bằng và Trần Thanh Việt, đã cho phép tải loạt bài này, những thân hữu và độc giả đã góp ý kiến trong tinh thần xây dựng. Nhớ câu "không thầy đố mầy làm nên", người viết xin tỏ lòng tri ân đến các nhà giáo dục đã dìu dắt mình trong lãnh vực ngữ văn, đặc biệt Giáo sư Đỗ Khánh Hoan, nguyên Giáo sư Anh văn Trung học Chu Văn An và Trưởng ban Khoa Anh-Mỹ Đại học Văn khoa Sài Gòn, lại là một người có công lớn trong việc phiên dịch văn học Nhật, cố Giáo sư René Sieffert, nguyên Viện trưởng Viện Sinh ngữ và Văn minh Đông phương, Paris, nữ Giáo sư Sakata Yukiko (Phản-Điền, Tuyết Tử) và Giáo sư Kunimatsu Akira, (Quốc-Tùng, Chiêu), cả hai đều nguyên là Giáo sư Nhật ngữ và Văn học Nhật Bản trường Đại Học Ngoại Ngữ Đông Kinh.
Người viết cũng xin mượn trang giấy này để đặc biệt cảm ơn anh Nguyễn Đình Long, người đàn anh của những ngày cùng nhau du học ở Tôkyô trong thập niên 1960. Anh Long đã truyền đạt cho người viết tình yêu quê hương và cuộc sống, sự hiểu biết và niềm đam mê đối với văn học Nhật Bản, lãnh vực mà anh rất am tường. Quyển sách còn là nén hương tưởng nhớ đến những đàn anh và bằng hữu tài tuấn đã khuất bóng như các anh La Vĩnh Cát, Bùi Mộng Hùng, Tạ Trọng Hiệp, Trần Đình Tưởng, Vũ Thư Thanh và Hồ Hải Trân. Nó cũng là lời cảm ơn gửi đến ba thành viên trong gia đình nhỏ bé của người viết: Bạch Tuyết, Linh Lan và Quang Trân, vì hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống đã chịu thương chịu khó trong những tháng ngày xa cách nhau.
Tôkyô, 29/01/2007
Nguyễn Nam Trân
Phàm Lệ
Trước hết, xin chú thích qui ước về cách đọc những âm Nhật la-mã hóa về tên người, tên đất và những từ kỹ thuật tiếng Nhật trong tập sách nầy.
Ngoài một vài ngoại lệ, qui ước này hầu như dựa trên hệ thống Hepburn, mang tên nhà ngữ học James Curtis Hepburn, người đã đến Nhật năm 1856, có công soạn quyển Wa-ei Gorin Shuusei (Hòa Anh Ngữ Lâm Tập Thành hay Japanese-English Dictionary, 1867), tức là quyển từ điển Nhật-Anh đầu tiên. Ngoài ra, có những sửa đổi để cách đọc được giản tiện hơn. Sau đây là những điểm chính :
-e đọc như ê
-ei đọc nhẹ (không cần nhấn mạnh âm i cho lắm)
-e như e khi có phụ âm n hay m theo sau
-ê như ê dài (Việt Nam không có âm dài như Nhật)
-u như ư ngắn
-uu như âm ư dài
-o như ô ngắn
-ô như ô dài
-ch như ch
-sh như s
-r như âm trung gian giữa r và l
-g như g
-s như x
-w như w của Pháp và Anh
-z đọc như z của Pháp và Anh
-tsu rất khó đọc, ở Việt Nam thường tạm đọc như Chư
Những âm trên thực tế đọc mím miệng khi có hai phụ âm đạt liền bên nhau (n+m hay n+p) sẽ không phiên âm thành mm hay mp nhưng vẫn giữ dạng nguyên thủy.
Về tên người, họ đi trước tên theo sau như tiếng Việt. Đối với một tác giả cổ điển thì gọi tên, thường thường là bút danh (Bashô để gọi Matsuo Bashô, Saikaku để gọi Ihara Saikaku) nhưng đôi lúc gọi bằng họ nếu tên quá thông dụng mà ai cũng có thể có được (Chikamatsu để gọi Chikamatsu Monzaemon).
Về các tác giả hiện đại có thể gọi bằng cả tên lẫn họ hay chỉ bằng họ nếu là nhân vật có tiếng (Kawabata Yasunari hay Kawabata đều dùng được).
Riêng tên tác phẩm, để tránh nặng nề vì dài dòng, Genji Monogatari sẽ được giản lược thànhGenji, Kokin Waka Shuu thành Kokin, sau khi đã ghi tên đầy đủ một hai lần trước đó.
- Source: http://maxreading.com/sach-hay/lich-su-van-hoc-nhat-ban/loi-noi-dau-29206.html
About YourVietbooks.com
YourVietBooks is a selection of books and articles on and about Vietnam. Categories include: Culture, History, Vietnam War, Politics, Biographies, Contemporary Vietnam, International Relations, Doing Business in Vietnam, Reference and Languages, Zen Buddhism, Philosophy, Art and Literature.
Some articles are available only in English, French, German or Vietnamese. Our qualified and experienced translators can provide translations of e-books or articles on demand. Read more...
Samples of Translation | Our Translators | Need a quote? | Contact us